Trang Thời Sự


Tương lai cuộc chiến?

Tác giả: Lữ Giang
Thể loại: Thời sự

 Chiến đấu với Mỹ 20 năm, ở trên đất Mỹ 35 năm, đã từng được đọc hàng chục ngàn trang tài liệu do Mỹ giải mã, nhưng một số người Việt đấu tranh vẫn không hiểu gì về Mỹ, vẫn suy nghĩ và hành động theo cảm tính. Đến nay, một số “chính khứa ta” vẫn tiếp tục lên các đài truyền thanh hay truyền hình, tuyên bố cuộc “cách mạng hoa lài” đang đem lại “dân chủ” cho các nước Trung Đông và Bắc Phi, và sau đó sẽ đến Việt Nam!
Trong khi đó, các nhà phân tích và bình luận của Mỹ và thế giới đã nêu ra nhiều câu hỏi lớn: Tại sao Hoa Kỳ và các cuờng quốc Tây phương chỉ tấn công Libya mà không tấn công Yemen, Bahrain, Syria... là những nước cũng đã sử dụng bạo lực để đè bẹp các cuộc biểu tình đòi dân chủ? Các biến động nói trên đang gây ra những hậu qủa như thế nào? Tương lai của vùng Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là Libya, rồi sẽ đi về đâu?

**VẪN CHƯA CÓ CÂU TRẢ LỜI CHÍNH XÁC
Hôm 15.4.2011, một bản văn mang chữ ký của ba vị lãnh đạo quốc gia là Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozy và Thủ Tướng Anh David Camaron, tuyên bố rằng thế giới không bao giờ chấp nhận để một người đã ra lệnh bắn giết dân được quyền quyết định tương lai cho đất nước.
Hình như ít ai chấp nhận lý do mà ba nhà lãnh đạo cường quốc này đã đưa ra để biện minh cho quyết định tấn công Libya. Trong bài “Why is US backing force in Libya but not Bahrain, Yemen?”, ký giả Andrew North của BBC News, đã đặt câu hỏi: Sự khác nhau giữa Libya và Yemen hoặc Bahrain là gì? Sau đó, ông đã trả lời: “Bahrain và Yemen là đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Bahrain, nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn. Libya thì không”. Nếu lý luận này là đúng thì “đồng minh” của Mỹ được miễn trừ trách nhiệm khi bắn giết dân hay sao?
Trường hợp của Syria đang được tranh luận gay cấn. Syria chẳng những không phải đồng minh của Mỹ và đang đi với Iran để chống lại Mỹ, tại sao Mỹ và một số cường quốc Âu Châu không tấn công Syria ngay như đã tấn công Libya?
Trong cuộc họp báo chung tại Washington hôm 26.4.2011 vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Liam Fox giải thích rằng sự đáp ứng của thế giới đối với các cuộc nổi dậy của quần chúng ở Trung Đông và Bắc Phi phải thích ứng và phản ánh hoàn cảnh ở mỗi nước. Còn Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói rằng dù Hoa Kỳ áp dụng tiêu chuẩn về giá trị với tất cả quốc gia trong vùng nhưng hành động không phải luôn luôn giống nhau ở mọi nơi.
Nếu lý luận theo kiểu này thì LHQ và các cường quốc chỉ chọn những nơi nào có thể tấn công được mới tấn công, còn những nơi khó thì bỏ mặc?
Nói trằng ra, Hoa Kỳ và các cuờng quốc Tây phương chỉ can thiệp vào một biến cố khi biến cố đó có ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của họ, còn “bảo vệ dân chúng” chỉ là chiêu bài. Các cuộc nổi dậy tại Congo, Sudan và Somalia đã giết hại không phải hàng ngàn mà hàng trăm ngàn và hàng triệu người, nhưng Hoa Kỳ và LHQ chỉ can thiệp lấy lệ rồi để “sống chết mặc bây”. Họ có quan tâm gì đến “dân chúng” tại các nước đó đâu?
Trong bài “As France takes the reins on Libya, Sarkozy triumphs” đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 20.3.2011, bình luận gia Kim Willsher cho rằng Tổng Thống Sarkosy của Pháp chỉ muốn dùng chiến tranh Libya để tạo uy thế cho mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Rất nhiều bình luận gia cho rằng sở dĩ Mỹ và các cường quốc Tây phương đã tấn công Libya vì dầu lửa. Tổng Thống Gaddafi nói trắng ra rằng Mỹ và Tây phương muốn cướp các mỏ dầu của Libya. Các báo thuộc các nước Hồi Giáo Bắc Phi cũng đã quả quyết như vậy, chẳng hạn như tờ El Khabar, một tờ báo bán chạy hàng đầu của Algeria, đã đăng bài bình luận trang nhất với tiêu đề “Khi dầu trộn lẫn với máu người Libya”, khẳng định: "Cuộc chiến thực sự là về dầu mỏ, chứ họ không có gì để làm với người Libya”.
Năm 2003, khi Tổng Thống Bush mở cuộc tấn công Iraq bằng mọi giá, bất chấp luật pháp quốc tế, nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu của ông Bush chỉ là để cho các công ty tư bản đứng sau ông khai thác các mỏ dầu của Iraq. Trong khi đó một số nhà phân tích khác đã nhấn mạnh đến việc ông Bush muốn tạo cơ hội cho các nhà tư bản Mỹ thực hiện các cuộc đấu thầu quốc phòng. Tổng Thống Obama cho biết cuộc chiến Iraq đã “làm hại tới hàng ngàn, hàng vạn lính Mỹ cũng như người dân Iraq và tốn kém gần 1000 tỷ USD”.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc chiến Libya được Pháp và Anh quyết tâm thực hiện với sự đồng ý của Hoa Kỳ là để ngăn chận Gaddafi biến Libya thành một tiền đồn của Hồi Giáo có thể đối kháng với Israel. Năm 2010, Libya đã đặt mua của Nga đến 10 tỷ USD vũ khí, trong đó có các máy bay chiến đấu, các hoả tiển đối địa và đối không (như S-300 and TOR-1M). Nếu Libya chỉ muốn bảo vệ chế độ thì không cần đến các loại vũ khí đó. Lý luận này xem ra có vẽ vừng vàng hơn.
Hiện nay, ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Pháp đã khẳng định không chấp nhận và sẽ không có sự hiện diện của Gadaffi ở chính trường Libya trong tương lai. Họ đang tăng cường các biện pháp để lật đổ Gaddafi. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet nói rằng mục tiêu của NATO lật đổ Gaddafi không phải dễ thực hiện. Thứ nhất là mục tiêu này có được nghị quyết 1973 cho phép hay không? Khó khăn thứ hai là làm cách nào để buộc Gaddafi từ chức? Theo ông, Liên quân “chắc chắn” đang vượt khỏi khuôn khổ nghị quyết 1973, vì nghị quyết của Hội Đồng Bảo An không đề cập đến “tương lai của Gaddafi”.
Thật ra, LHQ cũng chỉ là cái bình phong, khi cần vượt thì cứ vượt, nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet đã nói, vấn đề là “làm cách nào để buộc Gaddafi từ chức?”

***NHỮNG CHUYỆN GÌ SẼ XẨY RA?
Tờ Los Angeles Times ngày 18.4.2011 đã đăng bài “The future of Libya” (Tương lai của Libya) của Rajan Menon. Ông là một giáo sư khoa học chính trị tại City College of New York, và là tác giả của cuốn "The End of Alliances” (Sự chấm dứt của Liên Minh). Mở đầu, ông nói rằng cuộc giao tranh ở Libya đã đạt đến một sự bế tắc: Moammar Gaddafi đã chứng minh linh hoạt hơn rất nhiều so với đối thủ của ông tiên đoán. Nếu NATO quyết định chấm dứt bế tắc bằng cách dùng lực lượng của mình tấn công dữ dội hơn, chỉ có một quốc gia (ám chỉ Hoa Kỳ) có đủ sức mạnh cần thiết.
Sau đó ông đưa ra ba hoạt cảnh (scenario) có thể xẩy ra.
Hoạt cảnh thứ nhất là lực lượng của Gaddafi bị NATO tấn công không ngừng một cách thảm hại nên đã co lại. Một số viên chức cao cấp và binh sĩ đào ngũ, chính phủ bị nổ tung, mở đường cho một chính phủ chuyển tiếp hình thành. Đây là điều mà London, Paris, Washington và Brussels hy vọng.
Theo tác giả, kịch bản này rất khó xảy ra và nếu nó có xẩy ra đi nữa, cuộc chiến sẽ gây cho cả hai phe và dân chúng cảnh chết chóc tồi tệ, các cơ sở hạ tầng bị phá hỏng, lượng dầu xuất khẩu bị giảm xuống, và số lượng người tị nạn tăng lên. Những tổ chức từ bên ngoài sẽ được kêu gọi đến cung cấp các dịch vụ cứu trợ và xây dụng trong một thời gian dài trong một môi trường nguy hiểm, nếu không sự hỗn loạn sẽ xẩy ra.
Hoạt cảnh thứ hai là các viên chức quân sự và dân sự đứng lên lật đổ Gaddafi và chia xẻ nhau quyền lực.
Theo tác giả, điều này sẽ không xảy ra dễ dàng. vì phe nổi dậy phải có trong tay một lực lượng khá mạnh mới lật đổ được Gaddafi và sau khi cuộc lật đổ thành công, rất khó liên kết giữa phe đối lập với phe cướp chính quyền để hình thành một chính phủ tạm thời và dù có liên kết được rồi cũng sẽ đi đến chia rẻ.
Hoạt cảnh thứ ba là chia đôi Libya. Phe đối lập chiếm phần phía đông, trong và xung quanh Cyrenaica, rồi lập một chính phủ đối lập như chính quyền Gaddafi ở phía tây hiện nay. Lúc đó, Gaddafi sẽ kiểm soát ít lãnh thổ hơn và có ít dầu hơn.
Nhưng giải pháp này khó tồn tại được lâu. Hai bên sẽ không thể cùng tồn tại trong hoà bình, vì bên nào cũng sẽ củng cố lực lượng để chiếm phần lãnh thổ của phía bên kia.
Các ghi chép lịch sử cho thấy rằng phân vùng là một quá trình đẫm máu (bloody business), đặc biệt khi các bên đều được vũ trang và không thích nhau. Đừng hy vọng rằng sẽ có một cuộc ly dị nhung (a velvet divorce) ở Libya giống như những gì mà người Czechs và người Slovaks đã thực hiện.
Giả thiết sự chia đôi này được áp đặt từ bên ngoài, những bộ lạc theo Gaddafi sẽ không dễ dàng chấp nhận sự phân chia đó, sớm hay muộn họ cũng sẽ tìm cách thống nhất đất nước.
Chúng tôi xin lưu ý: Trong cuộc chiến tại Libya hiện nay, cả lực lượng của Gaddafi lẫn phe đối lập đều dựa trên bộ lạc. Libya hiện nay có 140 bộ lạc với 3 bộ lạc lớn là Warfallah, Kadhafa và Makarha. Tổng Thống Gaddafi đã khôn khéo dung hòa quyền lợi giữa các bộ lạc để lấy được sự ủng hộ của họ và tồn tại cho đến nay.
Các cuộc đấu tranh tại Libya hiện nay đã phát xuất từ bộ lạc Warfallah, một bộ lạc lớn nhất có hơn một triệu dân, đang cai quản khu vực phía đông (Cyrenaica). Tại đây có nhiều mỏ dầu và xuất cảng dầu nhiều nhất. Bộ lạc Warfallah thường than phiền họ không được tài trợ tương xứng với tài nguyên có trong khu vực. Hoa Kỳ và một số cường quốc Tây phương đã dựa trên sự bất mãn này, kích động một sự nổi dậy của bộ lạc này chống Gaddafi.
Bộ lạc Kadhafa phụ trách khu vực trung tâm (Tripolitania), tuy chỉ có khoảng 120.000 dân, nhưng được trang bị hùng hậu và trung thành với Gaddafi.
Cuộc chiến tranh tại các nước châu Phi trong những năm gần đây gây ra những vụ thảm sát đẩm máu như ở Congo, Sudan hay Somalia, đều là chiến tranh giữa các bộ lạc. Một bộ lạc dù nhỏ, vẫn quyết tâm chiến đấu để sinh tồn. Với tình trạng như trên, Libya khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh bộ lạc khi Gaddafi không còn. Đó là một thảm họa.
Rajan Menon kết luận: “Người ta có thể tưởng tượng tương lai khác cho Libya. Nhưng điều chắc chắn: Mỗi bên, theo cách riêng của mình, sẽ liên quan đến một số sự thay đổi chế độ, biến động và xây dựng đất nước dưới sự giám hộ của phương Tây. Cát bụi bẩn mà không giải quyết sớm, sẽ tràn đầy.”

**NHỮNG HẬU QUẢ TRƯỚC MẮT
Điều mà ai cũng nhận thấy là cuộc biến động hiện nay tại Trung Đông và Bắc Phi đã khiến các công ty dầu lửa lợi dụng tăng giá dầu lên, khiến giá các nhu yếu phẩm tăng theo.
Hôm 16.4.2011, khi kết thúc cuộc họp của Ủy ban Tiền Tệ và Tài chính Quốc tế tại Washington, Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã cảnh báo: Nếu khu vực Trung Đông và Bắc Phi bị lún sâu thêm vào khủng hoảng, điều đó sẽ đe dọa tiềm năng phát triển kinh tế chung của thế giới.
Đặc biệt nơi nào cuộc “cách mạng hoa lài” bén mảng đến, ở đó dân chủ và nhân quyền bị đe doạ trầm trọng hơn.
Tại Tunisia, nơi phát xuất cuộc “cách mạng hoa lài”, Linh mục Marek Rybinski, 34 tuổi, tu sĩ dòng Salesien, Don Bosco, đã bị cắt cổ và thi hài của ngài được phát giác trong một trường tư do các tu sĩ điều khiển tại Mahouba. Theo cách thế vị linh mục bị sát hại, chính quyền Tunisia quả quyết rằng thủ phạm của vụ sát nhân chính là những người Hồi Giáo quá khích.
Tại Ai Cập, nơi vừa xẩy ra cuộc “cách mạng hoa lài”, sáng ngày 5.3.2011, một nhóm người Hồi giáo đã nổi lửa đốt phá nhà thờ hai thánh Minas và George của các tín hữu Kitô tại làng Soul ở phía nam thủ đô Cairo. Các cuộc đụng độ giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo đã làm cho 2 tín hữu Kitô bị thiệt mạng và gần 50 người khác bị thương.
Tại Libya, nơi trước đây có khoảng 80.000 tín hữu Kitô Giáo, nhưng kể từ khi cuộc “cách mạng hoa lài” được đưa đến, đa số đành phải bỏ nước ra đi, chỉ còn lại khoảng 5.000 với 15 linh mục và khoảng 60 nữ tu. Các hoạt động từ thiện bị thu hẹp trong khuôn viên nhỏ của các cơ sở Giáo Hội, mọi hoạt động bên ngoài nhà thờ đều bị cấm. Chỉ có các nữ tu là được phép làm việc tại các bệnh viện. Những giáo dân còn kẹt lại, phần lớn là những người lao động nhập cư Châu Phi, đã sử dụng nhà thờ St Francis làm nơi tạm cư, họ sợ đi sâu vào các đường phố, vì thường xuyên bị quấy nhiễu bởi các lực lượng an ninh.
Ngỏ lời với lối 50 ngàn tín hữu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 20.3.2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐGH Benedict XVI đã nói:
 "Trong những ngày qua, những tin tức đầy lo âu đến từ Libya đã gợi lên trong tôi sự hồi hộp mạnh mẽ và lo sợ. Tôi đã biến điều đó thành kinh nguyện đặc biệt trong tuần Tĩnh Tâm. Giờ đây tôi rất kinh hoàng theo dõi các biến cố mới đây, tôi cầu nguyện cho những người bị liên lụy trong tình trạng bi thảm của đất nước ấy và tha thiết kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị và quân sự, hãy quan tâm trước tiên đến sự an toàn và an ninh của các công dân và bảo đảm cho việc cứu trợ nhân đạo được tiến hành.”
Tại thủ đô Tripoli của Libya, ĐGM Giovanni Innocenzo Martinelli cho biết dân chúng trốn chạy khỏi thủ đô vì các cuộc dội bom. Ngài nói: "Chiến tranh không giải quyết gì cả. Tôi không biết cuộc xung đột mới này sẽ kết thúc ra sao, nhưng nó khơi dậy nơi người dân Libya những ký ức đau buồn về quá khứ gần đây của họ".
Năm 2003, khi mở cuộc tấn công vào Iraq, Tổng Thống Bush hứa sẽ đem dân chủ đến cho đất nước này và sau đó sẽ cho lan dần ra các nước chung quanh, nhưng tình trạng về dân chủ và nhân quyền tại Iraq ngày nay còn tệ hơn dưới thời Saddam Hussein nhiều.
Theo thông tấn xã Công Giáo Hoa Kỳ CNS, số thống kê đầu năm 1991 cho biết số giáo dân Cộng Giáo tại Iraq lúc đó là khoảng 500.000 người. Sau khi Hoa Kỳ mở cuộc tấn công, chỉ còn lại khoảng 175.000 người, tức là mất đi khoảng 2/3.
Hôm 31.10.2010, các phần tử al-Qaida có vũ trang đã tấn công nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Baghdad và bắt hơn 100 tín đồ làm con tin. Các lực lượng Iraq đã tràn vào nhà thờ và chấm dứt vụ bắt cóc. Giới chức nói có 46 tín đồ nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ này.
Hôm 17.12.2010, bà Melissa Fleming, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết các tín đồ Công giáo Iraq đã “ồ ạt” rời khỏi Baghdad và Mosul kể từ vụ tấn này. Khoảng 1.000 gia đình từ hai thành phố đó đã tới khu vực Kurdistan và Nineveh.
Với những lời đe dọa của al-Qaida, các nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo trong ba khu vực bất ổn trong nước đã hủy bỏ những lễ lạc mừng Giáng sinh. Một linh mục ở Baghdad nói: "Như cơm bữa. Người ta không còn ngạc nhiên trước những hành vi bạo lực xảy ra hàng ngày.”
ĐHY Jean-Louis Tauran cho biết dưới thời nhà cựu độc tài Saddam Hussein, các Kitô hữu Iraq được an toàn hơn và được che chở nhiều hơn. Với tình trạng ngày nay, ngài nói: “Quyền lực hiện nằm trong tay kẻ mạnh nhất – đó là nhóm Shiites – và cả nước chìm trong cuộc nội chiến phe phái (giữa các tín đồ Hồi giáo Sunni và Shiite) và ngay cả người Kitô hữu họ cũng chẳng tha.”
Al-Qaeda đã trở lại hoạt động mạnh mẽ tại Iraq. Trong những tháng gần đây, al-Qaeda và nhóm Sunni đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào cả như nơi thờ phụng của các tín đồ thuộc hệ phái Shiite. Hàng động này đã bị khối Hồi Giáo lên án. Vì thế, hai nhóm này đã thay đổi chiến thuật, củng cố hàng ngũ và đợi khi Mỹ rút khỏi Iraq sẽ mở các cuộc tấn công cướp chính quyền.
Nhiều người tin rằng sau khi Gaddafi bị lật đổ tình trạng ở Libya sẽ cũng gióng như ở Iraq.
Như chúng tôi đã nói, trong một hai thế kỷ nữa dân chủ cũng chưa có thể đến được với các nước theo Hồi Giáo ở Trung Đông và Phi Châu. Ở đó, hoặc thiết lập một chế độ độc tài quân phiệt để khống chế các nhóm Hồi Giáo quá khích, hoặc một chế độ Hồi Giáo man rợ được triển khai để chống lại Mỹ và các quốc gia Tây phương.
Ngày 26.4.2011
Lữ Giang